Lượt xem: 1167

Hiệu quả nuôi ốc len, con vọp dưới tán rừng ở Cù Lao Dung

Theo thống kê, toàn huyện Cù Lao Dung có trên 24 km bờ biển với 1.700 ha đất diện tích rừng ngập mặn ven biển. Nơi đây, có rất nhiều loài thủy hải sản sinh sống và đây cũng chính là nơi để người dân sinh sống ven biển mưu sinh. Tuy nhiên, qua nhiều năm khai thác, đánh bắt nên tôm cá đã cạn kiệt, vì thế mà thu nhập của người dân cũng giảm dần.

    Với những tiềm năng lợi thế của rừng, từ nguồn vốn chuyển đổi sinh kế của Dự án WB9, cùng với sự hỗ trợ giống, thiết bị, chuyển giao khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm của chính quyền địa phương và các ngành chuyên môn đã giúp cho người dân thực hiện mô hình nuôi ốc len, con vọp dưới tán rừng.


Mô hình nuôi ốc len, con vọp dưới tán rừng. Ảnh Thanh Quang

 

    Mô hình nuôi ốc len, con vọp dưới tán rừng, không chỉ giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu, mà còn góp phần đáng kể trong việc bảo vệ rừng ngập mặn - một trong những chủ trương được tỉnh ưu tiên thực hiện thời gian qua ở huyện Cù Lao Dung.

    Những năm trước, đa phần người dân ở đây mưu sinh chủ yếu từ nguồn thủy sản tự nhiên dưới tán rừng. Để tăng độ che phủ của rừng phòng hộ ven biển Cù Lao Dung, đồng thời giải quyết hài hòa các mối quan hệ lợi ích. UBND tỉnh cho phép mở rộng diện tích rừng trên đất bãi bồi ven biển, kết hợp nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng.

    Anh Trần Văn Mới - ấp An Nghiệp, xã An Thạnh Ba, huyện Cù Lao Dung cho biết: Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế tương đối ổn định, chi phí đầu tư thấp, chỉ bỏ tiền mua con giống; ốc len, vọp rất dễ nuôi, ích tốn công chăm sóc, ít bị ảnh hưởng dịch bệnh, nhất là trước tình hình biến đổi khí hậu; đặt biệt là không phải cho ăn, mà chủ yếu là thức ăn thiên nhiên, vì thế mô hình này mang lại lợi nhuận cao cho gia đình.

    Đồng chí Phạm Kiên Trung - Phó Chủ tịch UBND xã An Thạnh Nam cho biết: Sau nhiều năm trồng, chăm sóc và bảo vệ, khi rừng bần ngày một phát triển, tán rừng ngày một dày, thì lợi nhuận từ con ốc len, con vọp và các loài thủy sản thiên nhiên cũng tăng theo.

    Để bảo vệ rừng ngập mặn, huyện đã tận dụng nhiều nguồn vốn và sự tài trợ phát triển mô hình nuôi thủy sản sinh thái dưới tán rừng. Mô hình nuôi ốc len, con vọp dưới tán rừng là điểm sáng, là hướng đi cho người dân vùng ven biển. Huyện phấn đấu mở rộng diện tích rừng hàng năm từ 10 ha đến 20 ha, vừa nâng cao đời sống người dân, vừa bảo vệ, phát triển rừng, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu như triều cường, nước biển dâng như hiện nay.

Thanh Quang



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 87
  • Hôm nay: 10168
  • Trong tuần: 77,488
  • Tất cả: 11,861,677